Giới thiệu về Ngành/Khoa
Ngày 01/3/1957, Khoa Địa Lý được chính thức ra đời cùng với sự thành lập trường Đại học Sư phạm Huế. Lúc đầu, Khoa có tên là Ban Sử - Địa nằm trong Khoa Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế. Trước năm 1975, nhiệm vụ của Ban Sử - Địa là đào tạo giáo viên giảng dạy 2 môn Lịch sử và Địa lý bậc THPT, THCS cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong 18 năm, từ khi thành lập đến năm 1975, trên lĩnh vực đào tạo, Ban Sử - Địa của Khoa Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế đã cung cấp một đội ngũ giáo viên vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ cho các trường THPT, THCS ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Năm 1975, đất nước thống nhất, hệ thống các trường đại học ở Huế có nhiều thay đổi. Các Khoa trực thuộc Viện Đại học Huế trước 1975 được tách thành các trường đại học độc lập. Ban Sử - Địa được tổ chức lại thành Khoa Sử - Địa trực thuộc trường Đại học Sư phạm Huế. Đến năm 1977, do yêu cầu phát triển của ngành địa lý, Khoa Địa lý được tách thành Khoa độc lập trên cơ sở Khoa Sử - Địa. Ngay từ năm học 1975 - 1976, Khoa đã bắt đầu tuyển sinh khóa mới và thực hiện hoạt động đào tạo theo chương trình của Bộ Giáo dục ban hành. Khoa đã bồi dưỡng và bổ sung thêm nhiều cán bộ mới, đội ngũ giảng viên của Khoa không ngừng được phát triển để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đào tạo của Khoa.
Từ năm 1994 đến nay, Khoa Địa lý là một đơn vị của Trường ĐHSP - ĐH Huế. Trong giai đoạn này, Khoa có nhiều đổi mới toàn diện trên các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên cho các trường THPT ở Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Các loại hình đào tạo của Khoa tăng dần theo hướng đa dạng hoá (chính quy, tại chức, cử tuyển (đào tạo giáo viên cho miền núi), hệ đào tạo liên thông (nâng chuẩn cho giáo viên THCS từ trình độ cao đẳng lên đại học), chính qui hợp đồng với các địa phương.
Năm 1996, Khoa tiến hành đào tạo thạc sĩ với chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học địa lý; năm 2001, đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Địa lý học; năm 2005, đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Địa lý tự nhiên; năm 2016, đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Địa lý tự nhiên.
Công tác NCKH được đẩy mạnh, GV Khoa đã tham gia thực hiện đề tài NCKH các cấp; chủ trì các dự án thuộc Chương trình nghiên cứu Việt Nam - Hà Lan (VNRP), của tổ chức SIDA Thụy Điển, Ford Motor Company… Đồng thời, Khoa đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ, cử CB đi học thạc sĩ, làm NCS nhằm nâng cao năng lực đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đào tạo của xã hội trong giai đoạn mới.
Trong 60 năm qua, Khoa Địa lý đã không ngừng phát triển về qui mô và chất lượng; có vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống các trường sư phạm. Khoa đã đào tạo cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ và cả nước hàng ngàn giáo viên có trình độ đại học và sau đại học. Tính từ năm 1976 đến nay, tổng số sinh viên tốt nghiệp: 4.649 SV. Trong đó, hệ chính qui: 2.802 SV; cử tuyển miền núi: 55 SV; hệ tại chức: 135 SV; chính quy hợp đồng cho các địa phương (Sở GD & ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Kon Tum): 327 SV; chuyên tu và liên thông từ cao đẳng lên đại học (liên kết với ĐH Sài Gòn, ĐH Đồng Nai, CĐSP Nha Trang, CĐSP Bà Rịa-Vũng Tàu, CĐSP TT Huế, Sở GD ĐT Quảng Trị, Quảng Bình): 1.330 sinh viên. Đào tạo sau đại học: 354 học viên cao học. Các sinh viên tốt nghiệp từ Khoa hiện đang tham gia giảng dạy ở nhiều trường THPT, cao đẳng, đại học và một số cơ quan khác. Trong số đó, có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lí có uy tín ở các cơ quan văn hoá, giáo dục ở nhiều địa phương trong cả nước.
Qui mô đào tạo không ngừng tăng lên, trong thập niên 90, mỗi năm Khoa đào tạo 30-40 SV, đến nay tăng lên 120-150 SV. Năm học 2016 - 2017, hiện đang học tại Khoa có 11 lớp đào tạo cử nhân CQ với 534 SV; 8 lớp cao học (K24 và K25) với 84 học viên (trong đó có 2 lớp liên kết đào tạo tại ĐH An Giang và ĐH Đồng Nai); 3 lớp liên thông từ cao đẳng lên đại học liên kết với Đại học Đồng Nai, CĐSP Nha Trang và CĐSP Bà Rịa-Vũng Tàu: 110 học viên.
Cùng với giảng dạy, Khoa xác định NCKH là một trong những công tác trọng tâm. Trong những năm qua, CB của Khoa đã tham gia thực hiện nhiều chương trình NCKH. Các lĩnh vực nghiên cứu bao gồm khoa học cơ bản, ứng dụng và khoa học giáo dục. Từ năm 1996 đến nay, Khoa đã thực hiện 11 đề tài nghiên cứu độc lập cấp nhà nước, 19 đề tài cấp bộ và nhiều đề tài cấp ĐH Huế, cấp trường về điều tra cơ bản các vùng lãnh thổ ở miền Trung, nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Chủ trì 5 dự án thuộc chương trình nghiên cứu Việt Nam – Hà Lan (VNRP), 2 dự án với tổ chức SIDA Thụy Điển; viết địa chí tỉnh TT Huế (phần kinh tế-xã hội).
Hiện nay, đội ngũ cán bộ Khoa Địa lý có 20 người; gồm 17 giảng viên, 2 cán bộ hướng dẫn phòng thực hành và 1 nhân viên văn phòng. Trong đó, có 5 Phó giáo sư, 6 Tiến sĩ, 3 Thạc sĩ và 4 Cử nhân; 2 GV đang làm NCS ở nước ngoài. Cơ cấu tổ chức Khoa gồm 3 tổ chuyên môn: Tổ Địa lý Tự nhiên, Tổ Địa lý Kinh tế - Xã hội và Bản đồ, Tổ Phương pháp dạy học. Tổ chức đoàn thể: Chi bộ Khoa gồm 27 đảng viên; Công đoàn Khoa gồm 18 CĐV; Liên chi Đoàn Khoa có 539 đoàn viên.
Khoa đang thực hiện cùng lúc các chương trình đào tạo: Chương trình đại học chính qui theo học chế tín chỉ 2015; chương trình đại học hệ liên thông 2007; Chương trình thạc sĩ theo hệ tín chỉ 2015. Các loại hình đào tạo hiện có ở Khoa: Cử nhân Sư phạm Địa lý, Thạc sĩ chuyên ngành Địa lý tự nhiên, Thạc sĩ chuyên ngành Địa lý học, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học môn Địa lý, Tiến sĩ chuyên ngành Địa lý tự nhiên. Các hình thức đào tạo: Chính qui tập trung theo hệ tín chỉ, hệ chính qui cử tuyển và liên thông cao đẳng lên đại học. Ngoài ra, hàng năm Khoa còn tham gia công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên THPT ở các tỉnh Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.
Đi đôi với đổi mới chương trình, Khoa chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường tính tự học, tính độc lập sáng tạo của sinh viên. Công tác biên soạn giáo trình, tài liệu học tập được đầu tư, đã biên soạn 57 giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên và 19 giáo trình cho hệ đào tạo từ xa.
Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo được nâng cấp, ngoài hệ thống phòng học đảm bảo chất lượng (do Nhà trường bố trí), Khoa có 1 phòng tư liệu phục vụ cho SV đọc và tham khảo tài liệu; 1 phòng thực hành vi tính phục vụ cho công tác học tập hệ thống thông tin địa lý, NCKH của CB và SV; 1 phòng thực hành địa lý và 1 phòng chiếu đa chức năng phục vụ cho công tác thực hành, thực tập các học phần địa lý.
Quá trình phấn đấu của Khoa được ghi nhận và tập thể Khoa Địa lý đã được Nhà nước khen thưởng:
1. Danh hiệu thi đua (Chỉ tính 5 năm gần đây):
Năm
|
Danh hiệu thi đua
|
Số, ngày, tháng, năm của quyết định công nhận danh hiệu thi đua; cơ quan ban hành quyết định
|
2009-2010
|
Tập thể lao động xuất sắc
|
QĐ số 411/QĐ-ĐHH-VP, ngày 20/12/2010; Đại học Huế
|
2010-2011
|
Tập thể lao động xuất sắc
|
QĐ số 2323/QĐ-ĐHH-VP, ngày 28/10/2011; Đại học Huế
|
2011-2012
|
Tập thể lao động xuất sắc
|
QĐ số 1898/QĐ-ĐHH-VP, ngày 24/09/2012; Đại học Huế
|
2012-2013
|
Tập thể lao động xuất sắc
|
QĐ số 1761/QĐ-ĐHH-VP, ngày 01/10/2013; Đại học Huế
|
2013-2014
|
Tập thể lao động xuất sắc
|
QĐ số 1797/QĐ-ĐHH-VP, ngày 02/10/2014; Đại học Huế
|
2014-2015
|
Tập thể lao động xuất sắc
|
QĐ số 1423/QĐ-ĐHSP ngày 26/8/2015; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế.
|
2. Những thành tích đáng ghi nhận của Khoa Địa lý giai đoạn 1997 - 2014:
Năm
|
Hình thức khen thưởng
|
Số, ngày, tháng, năm của quyết định công nhận danh hiệu thi đua; cơ quan ban hành quyết định
|
1997
|
Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
QĐ số 1333/GD-ĐT, ngày 24/04/1997; Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
2002
|
Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
QĐ số 1234/GD-ĐT, ngày 26/03/2002; Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
2003
|
Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ
|
QĐ số 1295/QĐ-TTG, ngày 21/11/2003; Thủ Tướng Chính phủ
|
2005
|
Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
QĐ số 2592/QĐ/BGD-ĐT, ngày 16/05/2005; Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
2007
|
Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
QĐ số 07/QĐ/BGD-ĐT, ngày 02/01/2007; Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
2010
|
Giấy khen của Trường Đại học Sư phạm - ĐH Huế
|
QĐ số 768 QĐKT, ngày 19/5/2010; Trường Đại học Sư phạm - ĐH Huế
|
2013
|
Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
QĐ số 1080/QĐ/BGDĐT, ngày 26/03/2013; Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
2014
|
Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
QĐ số 5869/QĐ/BGDĐT, ngày 12/12/2014; Bộ Giáo dục & Đào tạo
|
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Khoa Địa lý Trường ĐHSP Huế đã trở thành một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và nghiên cứu khoa học có uy tín ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Sự trưởng thành của Khoa góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển trường ĐHSP Huế và ĐH Huế ngày càng lớn mạnh, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển giáo dục trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để đánh dấu chặng đường phát triển, Khoa Địa lý tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và phát triển. Lễ được khai mạc vào ngày 11 và 12 tháng 3 năm 2017 tại GĐ I trường ĐHSP Huế. Khoa trân trọng kính mời quí cựu CB và cựu sinh viên đã từng công tác và học tập tại Khoa về dự lễ hội.
Tên đơn vị (khoa): Khoa Địa lý – Trường ĐHSP Huế
Địa chỉ: 34 Lê Lợi, Huế
Số điện thoại liên hệ: 054. 3823192; 054.3829203
Số Fax: 054.3825824 (Phòng TCHC)
Email: khoadiasphue@gmail.com
Website: www.dialy.dhsphue.edu.vn
Sau khi tốt nghiệp SV có thể ứng tuyển các vị trí sau
1. Vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp
- Được tuyển dụng làm giáo viên dạy Địa lý cho học sinh ở nhà trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, dạy học tích hợp.
- Có khả năng đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Địa lý ở các trường trung cấp, cao đẳng và đại học.
- Có khả năng tìm kiếm việc làm ở các viện, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước trong các lĩnh vực liên quan đến địa lý như: quy hoạch lãnh thổ, quản lý tài nguyên môi trường, các dự án dân số, phát triển nông thôn, đô thị hóa…
2. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
- Có khả năng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Có khả năng tự đánh giá, tự rèn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học và giáo dục; phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp nhằm đáp ứng những yêu cầu mới.
- Có khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên môn ở trình độ thạc sỹ và tiến sỹ thuộc các chuyên ngành Địa lý.